True


Chọn và dùng thuốc như thế nào để hiệu quả, an toàn?

Theo báo cáo chung, trẻ sơ sinh và người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao gặp phản ứng có hại sau dùng thuốc. Người có các bệnh lý nền, tiền sử dị ứng hoặc phản ứng với thuốc cũng có nguy cơ cao.

Tư vấn trực tuyến: Chọn và dùng thuốc đúng cách

Tuy nhiên thực tế phản ứng có hại sau dùng thuốc có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ lứa tuổi nào. Trong khi đó nhiều người lại có thói quen "tự điều trị", tự mua thuốc tự chữa bệnh, dẫn tới các phản ứng có hại càng dễ xảy ra, nguy cơ kháng kháng sinh gia tăng.

Ước tính tại Mỹ có 6 lượt khám tại khoa cấp cứu về tác hại của dược phẩm/1.000 người/năm trong giai đoạn từ 2017-2019. Khoảng 39% số lượt khám này dẫn đến nhập viện. Một báo cáo trước đó tại Hoa Kỳ cũng cho hay 3-7% tổng số ca nhập viện là do các phản ứng bất lợi của thuốc, khoảng 10-20% là phản ứng nặng. 

Tại Việt Nam, mặc dù đã có các trung tâm theo dõi phản ứng phụ của thuốc, nhưng đến nay chưa có con số chính xác các phản ứng phụ đã xảy ra, nhưng các chuyên gia phân tích đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng mà phần lớn có thể phòng ngừa được.

Để gia tăng hiểu biết cho người dân về kiến thức sử dụng thuốc, cảnh báo những phản ứng có thể xảy ra, đặc biệt là những phản ứng có hại nghiêm trọng, báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Sàn thương mại điện tử CEV Pharma tổ chức buổi tư vấn trực tuyến "Chọn và dùng thuốc đúng cách, an toàn", từ 14-16h ngày 21-7.

Chương trình có sự tham gia tư vấn của các khách mời: 

- TS Bùi Văn Dân - trưởng khoa dị ứng - miễn dịch - da liễu, Bệnh viện E.

- ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ - phó khoa khám xuất cảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy.

- Ông Dư Đình Trường - trưởng dự án chuyển đổi số của hãng Oracle Netsuite tại Vimedimex.


Lê Thị Thúy Ngân: Các loại thuốc ngậm đau họng có phải là thuốc kê đơn không ạ? Hôm trước tôi có đọc trên FB một bài cảnh báo dị ứng nặng do một loại thuốc ngậm rất nổi tiếng, không rõ như thế nào nhưng thấy lo, nhờ bác sĩ tư vấn giúp. Xin cảm ơn bác!

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Thuốc ngậm đau họng có rất nhiều loại, thường là những loại thuốc không kê đơn, tuy nhiên cũng có vài loại giảm sưng nề thuộc loại thuốc kê đơn.

Tất cả các loại thuốc kê đơn hay không kê đơn đều có thể gây dị ứng tùy cơ địa của bệnh nhân. Do vậy, chỉ sử dụng thuốc khi thật cần thiết và cần theo dõi những tác dụng phụ.

Khi xảy ra dị ứng, bạn nên đi khám để xác định được đúng tác nhân dị ứng.

DƯƠNG: Gần đây con tôi hay mẩn đỏ ở mặt, tôi đi khám thì bác sĩ chẩn đoán viêm da cơ địa. Nhưng bôi thuốc chỉ đỡ một chút, thi thoảng giao mùa vẫn bị mẩn đỏ. Các mẹ khuyên nên tắm lá cho sẽ khỏi, nhưng tôi khá lo không biết nên làm vậy không? xin bác sĩ cho tôi lời khuyên.

TS Bùi Văn Dân: Viêm da cơ địa là bệnh lý về da thường gặp ở trẻ, đặc biệt đối với trẻ có tiền sử gia đình bị dị ứng. Trẻ thường có biểu hiện nổi ban đỏ, ngứa, bong da từng đợt... Chăm sóc da bằng các thuốc chống ẩm, điều trị với các thuốc chống viêm có vai trò quan trọng.

Tắm lá để điều trị hiện chưa có những nghiên cứu nên cần thận trọng, tốt nhất không nên lạm dụng. Trẻ nên được khám, tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để được theo dõi.

Quốc An: Thưa bác sĩ, những thuốc kê đơn nhưng khi mua tại nhà thuốc dễ dàng mua được nếu dùng có nguy hiểm gì không?

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Chào bạn, những loại thuốc kê đơn thường được bác sĩ chỉ định, tùy vào chẩn đoán và tùy vào cơ địa mỗi bệnh nhân nhằm đạt được mục đích điều trị tốt nhất ở liều sử dụng thấp nhất, an toàn nhất, cho nên việc tự mua và sử dụng thuốc kê đơn có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng của người bệnh.

Long Trần: Thưa bác sĩ, con tôi hồi nhỏ hay bị viêm đường hô hấp trên, từng dùng nhiều loại kháng sinh khác nhau, có khi điều trị kháng sinh kéo dài tới 10 ngày do bị nhiễm streptococcus A hai đợt hồi 5,6 tuổi. Tới nay bé đã 12 tuổi và chưa uống thuốc kháng sinh lại. Xin được hỏi, việc dùng kháng sinh kéo dài trong quá khứ như vậy có ảnh hưởng gì đến việc dùng kháng sinh của bé (nếu có) sau này không? Cảm ơn bác sĩ.

TS Bùi Văn Dân: Việc sử dụng kháng sinh kéo dài trong trường hợp của con bạn là do chỉ định của bác sĩ. Tình trạng bệnh của bé được cải thiện chứng tỏ kháng sinh có hiệu quả.

Và bạn hoàn toàn có thể yên tâm trong tương lai khi trẻ bắt buộc phải sử dụng kháng sinh thì những kháng sinh đã dùng kéo dài vẫn có thể có hiệu quả. Việc lựa chọn sử dụng kháng sinh nào phần lớn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của trẻ và chỉ định của bác sĩ.

Cẩm Nam: Trước đây bác sĩ thường kê đơn kháng sinh 5 ngày, sau này tôi đọc báo thấy tùy tình trạng bệnh có thể giảm xuống 3 ngày, điều này có đúng và có nguy cơ kháng kháng sinh?

TS Bùi Văn Dân: Một liệu trình kháng sinh thông thường khoảng 5 ngày, có những đợt kháng sinh dài hơn có thể kéo dài hàng tháng tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian ngắn có thể làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh ở những lần sử dụng kháng sinh sau này. Vì vậy, bạn nên tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, không nên bỏ liệu trình thuốc giữa chừng. Dù tình trạng đã thuyên giảm thì vẫn nên điều trị theo đúng liệu trình của bác sĩ.

Thanh Tuấn: Thưa bác sĩ, dị ứng với thuốc tê có nguy hiểm không? Biểu hiện là gì và sơ cứu ra sao?

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Chào bạn, dị ứng thuốc tê thường được xảy ra tại cơ sở y tế. Biểu hiện cũng như biểu hiện phản vệ đã được trình bày ở câu trả lời bên dưới.

Tại cơ sở y tế, nếu nhân viên y tế được đào tạo và sơ cứu đúng phác đồ phản vệ thì có thể đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cần ghi nhận lại loại thuốc tê gây phản vệ, để có thể chọn lựa loại thuốc tê khác cho lần sau. Bộ Y tế có phác đồ hướng dẫn xử lý phản vệ, và tập huấn cho nhân viên y tế thường xuyên.

Phi Phượng: Cháu trước nay sức khỏe tốt, hàng năm đều kiểm tra sức khỏe định kỳ. Từ sau đợt COVID thì bỗng dưng hay bị dị ứng, có khi nổi mề đay, nhất là vào chiều tối. Cháu đi bệnh viện da liễu khám và lấy thuốc mấy lần, uống êm êm 1 thời gian bị lại. giờ mỗi lần bị ngứa, mề đay, cháu uống 1 viên kháng dị ứng trong toa cũ có được không? Cảm ơn bác!

TS Bùi Văn Dân: Tỉ lệ các bệnh lý dị ứng xảy ra sau nhiễm COVID-19 đang có xu hướng gia tăng như mề đay, hen phế quản. Trong trường hợp bạn, có thể bạn mắc mề đay mãn tính và thường đòi hỏi thời gian điều trị kéo dài. Có những trường hợp điều trị trên 6 năm.

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc chống dị ứng mới, ít tác dụng phụ, có thể sử dụng kéo dài. Nếu chỉ cần 1 viên thuốc có thể cải thiện được triệu chứng thì bạn có thể duy trì kéo dài.

Trong trường hợp uống thuốc nhưng tình trạng không cải thiện thì nên đến cơ sở y tế chuyên khoa dị ứng để được thăm khám và tư vấn.

Thủy Triều: Tôi có 2 cháu, 5 ngày trước cháu lớn ốm bác sĩ cho kháng sinh tôi đi mua, có khai báo số điện thoại với nhà thuốc. Nay cháu nhỏ cũng ốm cũng phải uống kháng sinh, cầm toa đi mua nhà thuốc nói không bán được vì quy định giới hạn thời gian mua kháng sinh. Tôi không biết quy định đó là gì, nhưng đây là tôi mua có toa và hai toa khác nhau, tên hai cháu cũng khác nhau, sao quy định lại làm khó thế ạ?

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Thuốc kháng sinh là loại thuốc bắt buộc sử dụng theo đơn của bác sĩ. Nhiễm trùng xảy ra ở cùng một bệnh nhân ở các thời điểm khác nhau thì tác nhân có thể khác nhau và cần điều trị khác nhau, việc ba mẹ hay dùng đơn thuốc cũ của cháu để tự mua thuốc điều trị cho những lần sau là không phù hợp.

Do vậy, các nhà thuốc thực hiện đúng quy định về thuốc kê đơn và quản lý kháng sinh sẽ từ chối bán thuốc để đảm bảo an toàn cho các bé.

ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ (thứ hai từ trái sang) - phó khoa khám xuất cảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy - trong buổi tư vấn trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ

ThS.BS Võ Ngọc Anh Thơ (thứ hai từ trái sang) - phó khoa khám xuất cảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy - trong buổi tư vấn trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: T.T.D.

Khang: Các phản ứng thuốc có thể xảy đến trong thời gian bao lâu sau khi dùng thuốc?

TS Bùi Văn Dân: Tùy thuốc vào loại hình dị ứng mà phản ứng dị ứng thuốc có thể xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi sử dụng thuốc. Một vài trường hợp dị ứng thuốc chậm có thể xảy ra khi sử dụng thuốc trước đó 2-3 tháng. Ví dụ như thuốc chống động kinh, chống trầm cảm, thuốc giảm axit uric máu,...

Lưu Thành Lương: Gần đây xảy ra một số tai biến liên quan đến truyền dịch, trong khi trước đây ai cũng nghĩ truyền dịch là lành. Như vậy khi cần truyền dịch thì cần làm gì để đảm bảo an toàn?

TS Bùi Văn Dân: Truyền dịch cần phải có chỉ định của bác sĩ và phải được thực hiện tại cơ sở y tế, tuyệt đối không nên truyền dịch tại nhà.

Khi truyền cần được theo dõi và kèm theo bộ chống sốc phản vệ.

Tư Hay: Với các thuốc viên loại to khó uống, việc nghiền nhỏ hay pha với nước thì có ảnh hưởng chất lượng thuốc hay không?

TS Bùi Văn Dân: Tùy thuộc vào từng loại thuốc có thể bẻ nhỏ, nghiền pha nước để sử dụng mà không ảnh hưởng đến tác dụng thuốc. Tuy nhiên, để chắc chắn bạn nên đọc kỹ các hướng dẫn trong tờ sử dụng bởi một số loại thuốc sẽ mất tác dụng khi uống theo cách như vậy.

Mẹ CHIP: Đối với Pulmicort, bác sĩ cho sáng nửa ống chiều nửa ống. Vậy dùng nửa ống sáng xong, nửa còn lại mình bảo quản như nào cho đúng ạ? Tôi dùng màng bọc thực phẩm bọc kín và cho vô tủ lạnh để có được không? Để tối đa được mấy ngày? Cảm ơn bác!

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Pulmicort là dạng thuốc nước, sau khi bẻ ống thì nên sử dụng 1 lần. Không nên cất nửa ống còn lại để dụng cho lần sau vì không đảm bảo điều kiện vô khuẩn khi phun khí dung cho bé.

Ánh Dương: @Ông Dư Đình Trường: Ông bà đánh giá như thế nào về cơ hội của thương mại điện tử với ngành dược?

Ông Dư Đình Trường: Khi công nghệ ngày càng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, chuyển đổi số tất yếu trở thành xu hướng chung của mọi ngành nghề. Ngành Dược cũng không thể đứng ngoài dòng chảy đó, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường.

Lệnh giãn cách khiến người dân khó khăn đi lại và phương thức mua bán truyền thống bị đóng băng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dược phẩm, đặc biệt là các loại thuốc không kê đơn của người dân tăng cao do tâm lý tích trữ cho thời kỳ khó khăn.

Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi. mức chi tiêu thuốc bình quân chỉ bằng 1/3 mức trung bình của thế giới với chỉ gần 124 USD/người/năm.

Việt Nam cũng đang ở trong giai đoạn có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từ trước tới nay, dự kiến tỉ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ đạt 21% vào năm 2050, báo hiệu nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân đã và đang tăng dần đều trong vài thập kỷ tới.

Việc nở rộ ứng dụng chăm sóc sức khoẻ từ xa, đặc biệt, việc áp dụng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng di động vào lĩnh vực y khoa đã mở ra xu hướng chữa bệnh mới. Theo đó, từ các nền tảng, ứng dụng mua thuốc, khám chữa bệnh trực tuyến được rất nhiều người ưa dùng. Đây là một nền tảng kết nối giữa bên cung và bên cầu.

Ngày 23-12-2022, Bộ Công Thương phê duyệt sàn giao dịch thương mại điện tử quốc Tế CEVPharma, do Công ty TNHH Trung tâm phân phối dược phẩm Vimedimex trụ sở chính tại tầng 1, CT3 Mễ Trì, phường Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cung cấp các dịch vụ giao dịch thương mại điện tử B2B.

Điều này đã mở rộng thị trường mục tiêu tìm kiếm nhà cung ứng thuốc, thực phẩm chức năng đối tác trên khắp thế giới.

Hiện nay, chủng loại thuốc của Vimedimex lên đến trên 8000 thuốc, thực phẩm chức năng được sắp xếp vào 27 nhóm lớn, theo tác dụng điều trị, theo tác dụng dược lý, đảm bảo chất lượng thuốc theo tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất và cơ cấu sử dụng thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-EU chiếm tỷ lệ trên 40%, thuốc đạt tiêu chuẩn GMP – PIC/S hoặc tương đương sinh học chiếm tỷ lệ 15%, thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO chiếm tỷ lệ 45%.

Đồng thời mở rộng thị trường mục tiêu kênh phân phối thuốc: với chi phí đầu tư phù hợp, Vimedimex đã mở rộng thị trường mục tiêu đến từng thôn bản, xóm, xã của từng huyện trong từng tình, ở đó có hệ thống quầy thuốc, nhà thuốc lên đến 50.000/88.000 nhà thuốc, quầy thuốc.

Thương mại điện tử như CEVPharma đang làm cũng mở rộng tìm kiếm nhà cung ứng hàng hóa, tiếp cận người cung cấp, đối tác trên khắp thế giới. Qua đó tiết kiệm chi phí ký gửi, lưu kho, bảo quản hàng hóa trong kho đạt tiêu chuẩn GDP, GSP trung bình chiếm 2-3%.

Tiết kiệm chi phí vận chuyển trong nước, kiểm soát chất lượng bảo quản trong quá trình vận chuyển theo tiêu chuẩn GSP trung bình chiếm tỷ lệ 2,5-3,5%, các chi phí tiết giảm này sẽ được chuyển đổi thành chính sách giá.

Tiết kiệm chi phí về giấy tờ trong quá trình phân phối: Vimedimex áp dụng hóa đơn điện tử thông qua việc gửi email tự động đến với khách hàng mau, thay vì trước đây phải in từng hóa đơn giấy.

CEVPharma cũng sử dụng tính năng lọc chủng loại thuốc, danh mục thuốc theo 27 nhóm lớn, theo tác dụng điều trị, theo tác dụng dược lý dựa trên các tiêu chí khác nhau như kích thước, màu sắc, ID lô sản xuất, hạn dùng, xem thương hiệu của từng nhà nhà sản xuất, từ khóa trên từng chủng loại thuốc, hiển thị từng chủng loại thuốc thẻ quà tặng... khám phá từng chủng loại thuốc mới, từng chủng loại thuốc bán chạy nhất.

Chúng tôi cũng tích hợp công cụ chat trực tuyến Telegram, Facebook Messenger, WhatsApp, Snapchat, Skype, Discord, Google Hangouts, Viber, Zalo, Line, WeChat; KakaoTalk; Tango; Instagram; Twitter đây là điểm nổi bật của giao dịch thương mại điện tử B2B khiến Khách hàng mua cảm thấy yêu thích đó là sự tương tác hai chiều một cách dễ dàng giữa nhân viên bán hàng và khách hàng.

Lợi ích của nhà phân phối Vimedimex: giảm chi phí xử lý đơn hàng; nhận thông tin về nguồn hàng một cách chính xác và tức thời; dễ dàng truy cập thông tin về sản phẩm giá bán từ nhà cung ứng; đơn giản hóa việc định giá để tiết kiệm thời gian; tận dụng năng lực đội ngũ nhân viên vào các việc khác; các đơn đặt hàng được thực hiện qua hệ thống giao dịch TMĐT B2B bởi khách hàng sẽ tránh được những vấn đề của những đơn đặt hàng được thực hiện qua email, điện thoại, fax và bảng tính Excel.

Lợi ích đối với khách hàng mua khi sử dụng dịch vụ giao dịch thương mại điện tử B2B trên CEVPharma: khách hàng sử dụng dịch vụ giao dịch thương mại điện tử B2B mua buôn thuốc 24/7, đa dạng về danh mục thuốc, đa dạng về nhà cung ứng trong nước, ngoài nước; tìm kiếm, so sánh giá niêm yết theo từng chủng loại thuốc giữa các nhà cung ứng khác nhau, trước khi đặt đơn hàng; chiết khấu giá trực tiếp trên hóa đơn điện tử cho những khách mới không cam kết doanh số và khách hàng cam kết doanh số mua hàng;

Cũng như có thể vượt giới hạn về thời gian không gian cho phép khách hàng đặt đơn hàng trực tuyến 24/7 mọi lúc, mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam, giảm chi phí tìm kiếm và thời gian mua hàng; một đơn hàng có thể đặt mua nhiều nhà cung ứng khác nhau; thông tin về sản phẩm chi tiết, không giới hạn; tiếp cận hơn 8000 danh mục thuốc thiết yếu được sắp xếp vào 27 nhóm lớn, theo tác dụng điều trị, theo nhóm tác dụng dược lý; rất dễ dàng khi đặt đơn hàng lại; giảm sai sót nhập quản lý đơn hàng; giảm tồn kho quá mức.

Huỳnh Anh: Sau khi uống thuốc giảm đau hạ sốt trong chuyến du lịch gần đây, con tôi có hiện tượng nổi ban, tiểu không tự chủ, khó thở và phải đi cấp cứu, được xác định là sốc phản vệ mức 3. Thuốc đó rất hay dùng, vậy sau này con tôi nên chọn thuốc như thế nào

TS Bùi Văn Dân: Theo những gì bạn mô tả thì con bạn đã được xác định là sốc phản vệ mức 3 - là mức độ khi có các triệu chứng đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, cũng không thể chắc chắn là con có bị dị ứng với loại thuốc này hay không vì sốc phản vệ có thể do nhiều nguyên nhân như: Thức ăn, côn trùng đốt, sau gắng sức,....

Các loại thuốc giảm đau hạ sốt là thuốc rất thường dùng và có nguy cơ trẻ sẽ phải sử dụng lại nên việc khẳng định có dị ứng hay không dị ứng là rất cần thiết. Do đó, bạn nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa dị ứng để được tư vấn và chẩn đoán, lựa chọn cho con mình loại thuốc phù hợp, an toàn.

TS Bùi Văn Dân - Ảnh: DANH KHANG

Võ Thị Hạnh: Bác sĩ có thể cho biết các thuốc dễ gây phản ứng và những cơ địa dễ gặp phản ứng thuốc ạ

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Chào bạn, những người có cơ địa dị ứng sẽ có nguy cơ phản vệ với thuốc cao hơn, tuy nhiên không phải là họ sẽ dị ứng với tất cả các loại kháng nguyên, các loại thuốc được xác định gây dị ứng cho một người cụ thể sẽ được ghi nhận lại bằng thẻ dị ứng cho từng người. Nếu muốn sử dụng thuốc cho người này, các bác sĩ cần xem qua thẻ dị ứng trước khi kê đơn.

Cần hạn chế tiêm chích ở những nơi không đủ điều kiện về hồi sức cấp cứu. Những bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc sẽ có nguy cơ tương tác thuốc và tác dụng phụ của thuốc.

Ngọc Lam: Cảm ơn bác sĩ Bùi Văn Dân đã trả lời câu hỏi của tôi về trường hợp bé 9 tuổi chỉ mới uống đôi ba lần hạ sốt. Tuy nhiên, tôi vẫn có một nỗi lo "sạch quá" cũng khổ, nếu không từng uống thuốc, nếu lỡ có uống thuốc lại sợ bị phản ứng, thì làm sao tập cho bé thích nghi... Hoặc tôi phải tập cho bé uống thuốc theo cách thăm dò như thế nào. Tôi xin bổ sung là ngoài hạ sốt, bé có uống tẩy giun định kỳ. Tuy nhiên, tôi từng biết có người bị dị ứng kháng sinh nặng, nên tôi rất lo...

TS Bùi Văn Dân: Ngày nay, do việc lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm và kháng sinh làm gia tăng các bệnh lý dị ứng. Việc sử dụng kháng sinh không sai khi sử dụng đúng mục đích điều trị và có sự chỉ định của bác sĩ. Đối với trẻ không có tiền sử dị ứng gì thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm cho trẻ sử dụng khi đã được bác sĩ kê đơn.

Để yên tâm hơn, bạn nên theo dõi trẻ sau khi uống thuốc khoảng 1 giờ. Trường hợp lo lắng, hoặc gia đình có tiền sử dị ứng thì có thể đến chuyên khoa dị ứng để được tư vấn.

Thủy Tiên: Khi mua bán thuốc qua sàn thì chất lượng thuốc sẽ được bảo đảm như thế nào? Quản lý hậu mãi ra sao?

Ông Dư Đình Trường: Thực hiện giao dịch thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử quốc Tế CEVPharma, chất lượng thuốc được đảm bảo thông qua cam kết hạn sử dụng của thuốc tại thời điểm giao hàng, thuốc phải đảm bảo thời hạn sử dụng tối thiểu còn 24 tháng đối với thuốc có hạn dùng 36 tháng và 18 tháng đối với thuốc có hạn dùng 24 tháng, 100% đơn hàng phải có hóa đơn điện tử.

Lý do của việc này là:

+ Hạn dùng thuốc (expiry date) là thời điểm ghi trên nhãn thuốc mà trước thời điểm này thuốc đó được coi là đã giữ nguyên được các chỉ tiêu chất lượng, nếu được bảo quản trong các điều kiện tiêu chuẩn xác định. Sau thời điểm này (hết hạn dùng) thuốc đó được coi không còn đạt các chỉ tiêu trên nữa và không được dùng.

+ Hạn dùng thường gắn liền với điều kiện bảo quản: không tuân thủ đúng các điều kiện bảo quản thì ngay khi chưa hết hạn dùng, thuốc đó có thể không còn giữ được các chỉ tiêu được phê duyệt chất lượng.

+ Hạn dùng là quy định có tính kỹ thuật và pháp lý: nhà sản xuất đã có các thực nghiệm khoa học và kinh nghiệm thực tế đảm bảo cho thời điểm đã ghi lên nhãn. Sau thời điểm đó, nhà sản xuất không còn chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Người bệnh không được dùng vì thuốc không còn giữ nguyên chất lượng.

Nếu nhân viên bán thuốc, thầy thuốc, kỹ thuật viên... đem dùng cho người bệnh là vi phạm quy chế, phải chịu trách nhiệm về sự tổn thất sức khỏe tài chính cho người bệnh trước pháp luật.

+ Trên thực tế việc bảo quản thuốc ở một số nơi thường không tuân theo đúng và đủ các điều kiện bảo quản (như một số công ty vẫn gửi thuốc cho nơi mua trên nóc xe khách; hay một số cửa hàng, đại lý vẫn tự vận chuyển thuốc bằng xe máy) nên thuốc có thể bị giảm sút chất lượng, hư hỏng ngay khi chưa hết hạn.

Do vậy, cần tính toán thật sát với nhu cầu để nhập thuốc đủ số lượng cơ số thuốc và khi còn 1/4 thời gian so với hạn dùng (có nghĩa là đối với thuốc có hạn dùng 24 tháng, hạn dùng còn 6 tháng phải bán hết hàng; đối với thuốc có hạn dùng 36 tháng, hạn dùng còn 9 tháng ghi trên nhãn là đã tiêu thụ hết thuốc.

Đặc biệt, hiện nay, trên thị trường đang diễn ra rấy nhiều trường hợp cơ sở bán lẻ thuốc là các nhà thuốc, quầy thuốc mua thuốc đã gần hết hạn sử dụng với mức giá giảm đến 50%-60%, dẫn đến người bệnh phải sử dụng thuốc kém chất lượng.

Tuy không nhiều nhưng lác đác vẫn còn tình trạng dùng thuốc hết hạn cho người bệnh hoặc thuốc không có nguồn gốc xuất xử (không có hóa đơn VAT).

Ông Dư Đình Trường - trưởng dự án chuyển đổi số của hãng Oracle Netsuite tại Vimedimex

Quốc Huy: Hiện nay ngoài thuốc tây thì có nhiều loại thuốc đông y bán ở nhà thuốc, nhiều nhất là thuốc dạng siro "thành phần thảo dược". Nhân viên nhà thuốc nói loại thuốc này uống không có hại gì, nhưng tôi vẫn do dự vì suy cho cùng thuốc nào cũng là thuốc, ít nhiều vẫn có tác dụng phụ, nhưng vì dân ngoài nghề nên cũng không biết như nào. Mong bác sĩ cho tôi thêm thông tin. Cảm ơn bác sĩ!

TS Bùi Văn Dân: Song song với thuốc tây y thì thuốc đông y cũng có vai trò rất lớn trong hỗ trợ điều trị một số bệnh lý. Đặc biệt là các loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược.

Tuy nhiên, khi sử dụng cũng có thể gặp các phản ứng dị ứng hoặc tác dụng phụ. Vì vậy, các thuốc này khi đưa vào cơ thể cũng cần phải cẩn trọng và có chỉ định của bác sĩ.

NGỌC ANH: Thưa bác sĩ, gia đình tôi hay đi du lịch xa vậy cần chuẩn bị những loại thuốc gì?

BS Võ Ngọc Anh Thơ:

Chào bạn, bạn cần chuẩn bị một số loại thuốc thông dụng, không cần kê đơn ví dụ như: thuốc tiêu chảy, thuốc dị ứng, hạ sốt giảm đau, thuốc rửa mắt mũi, băng cá nhân... tùy vào độ tuổi của các thành viên trong gia đình và đừng quên thuốc điều trị bệnh đặc hiệu nếu người trong gia đình có đang sử dụng.

Ngọc Lam: Xin hỏi bác sĩ, nếu con tôi chưa từng uống thuốc, chỉ đôi ba lần phải hạ sốt hồi nhỏ, thì sau này có nguy cơ dị ứng thuốc không? Hiện nay bé đang được 9 tuổi.

TS Bùi Văn Dân: Dị ứng thuốc mang tính cá thể và không phụ thuộc vào liều và không dự đoán được. Nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng có thể xảy ra bất cứ khi nào khi trẻ dùng thuốc ngay cả lần uống thuốc đầu tiên.

Vì vậy, phụ huynh cần theo dõi tình trạng của con sau khi uống thuốc để có thể phát hiện sớm các biểu hiện ban đầu của dị ứng thuốc như buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, khó thở, phát ban trên da,...

Theo TS Bùi Văn Dân, phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng của con sau khi uống thuốc - Ảnh: DANH KHANG

Bảo Kim: Trong thời điểm mua bán thuốc chữa bệnh khá sôi động, nhiều hệ thống nhà thuốc đầu tư lớn ra đời, điểm mạnh của CEV là gì?

Ông Dư Đình Trường: Sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế CEVPharma xác định thị trường mục tiêu là 568 huyện, thị xã, thành phố thuộc 63 tỉnh thành.

Khách hàng truy cập vào hệ thống, mở ứng dụng, hệ thống hiển thị giao diện chính, có thể xem được thông tin chi tiết về từng khoản mục thuốc như: mã định danh; tên thuốc; hoạt chất và hàm lượng; dạng bào chế; quy cách đóng gói; đơn vị tính tối thiểu; tiêu chuẩn sản xuất (GMP-EU; PICS, GMP-WHO); nhà sản xuất; nước sản xuất; chương trình khuyến mại…

Chất lượng thuốc đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất: EU-GMP, PIC/S-GMP hoặc tương đương sinh học, giá bán buôn phù hợp, chính sách chiết khấu thương mại cho khách hàng mới cao.

Khách hàng/ đại lý phân phối được lựa chọn nhiều hình thức thanh toán nhanh chóng, tiện lợi.

Sự khác biệt trong việc thu thập thông tin tỉ lệ phần trăm thuốc được kê đơn có trong danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành, để làm cơ sở so sánh/đối chiếu mô hình bệnh tật tại bệnh viện, sắp xếp theo phân loại quốc tế bệnh tật ICD lần thứ 10 là cơ sở xây dựng phác đồ điều trị, lựa chọn và xây dựng danh mục thuốc sử dụng; cơ cấu số lượng chủng loại thuốc sử dụng theo đơn vị tính tối thiểu và tỷ lệ % giá trị tiêu thụ… cho khách hàng, đại lý.

Chất lượng thuốc kê đơn được đánh giá theo các tiêu chí: tỉ lệ người bệnh được điều trị phù hợp với hướng dẫn điều trị.

Thế Bảo: Sau uống thuốc có phải theo dõi đề phòng nguy cơ gặp phản ứng như vắc xin hay không?

TS Bùi Văn Dân: Tùy thuộc vào từng loại thuốc mà chúng ta cần hoặc không cần theo dõi. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sau khi sử dụng thuốc thì chúng ta nên theo dõi các phản ứng của cơ thể trong vòng 1 tiếng.

Nếu trong trường hợp nhận thấy bất thường như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, đau bụng, nổi phát ban,... thì người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.

Bảo Trâm: Trong những thuốc không kê đơn, người mẹ đang cho con bú có thể uống những loại thuốc nào ạ?

TS Bùi Văn Dân: Những mẹ đang cho con bú thường có nhu cầu bổ sung vitamin, khoáng chất thì hoàn toàn có thể sử dụng các loại thuốc không cần kê đơn.

Tuy nhiên, để an toàn cho mẹ và em bé, khi các mẹ muốn sử dụng thuốc, nên được sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng.

Vĩnh Thanh: Cửa hàng thuốc hiện nay đã được đầu tư hơn so với trước, nhưng không phải nhà nào cũng bật điều hoà nhiệt độ thường xuyên. Thuốc nên bảo quản ở nhiệt độ nào là tốt nhất? Nhiệt độ không đảm bảo có ảnh hưởng gì đến chất lượng thuốc hay không?

TS Bùi Văn Dân: Nhiệt độ bảo quản tùy theo từng loại thuốc, không phải thuốc nào cũng cần bảo quản trong nhiệt độ lạnh.

Khi thuốc được bảo quản không đúng theo quy định, có thể gây nên biến tính thành phần của thuốc và có nguy cơ gây mất tác dụng của thuốc, hoặc đôi khi gây hại cho sức khỏe.

Trần Gia Bảo: Có những thuốc mua tự do nhưng uống lại có thể xảy ra phản ứng, như thuốc hạ sốt giảm đau, quy định là uống cách một số giờ nhưng có trường hợp chưa đến giờ đó đã sốt lại và người bệnh lại dùng, từ đó dẫn đén nguy cơ quá liều. Trong tình huống này nên làm gì và chọn thuốc hạ sốt sao cho an toàn?

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Trong tình huống này, bạn nên đưa người bệnh đi khám để xác định được chẩn đoán chính xác. Ngoài thuốc, bạn có thể sử dụng cách lau mát để hạ sốt và cho bệnh nhân uống nhiều nước.

Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể, thường không gây nguy hiểm đến tính mạng, trừ trường hợp sốt cao co giật. Bạn đừng quá lo lắng và lạm dụng thuốc.

Theo bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, sốt là phản ứng bình thường của cơ thể, đừng nên quá lạm dụng thuốc hạ sốt - Ảnh: T.T.D.

Gia An: Hiện nay thực phẩm chức năng được bán khá phổ biến, có nên uống theo lứa tuổi, ví dụ lớn tuổi thì nên uống bổ khớp hay không?

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Thực phẩm chức năng được bày bán khá phổ biến và được khuyến cáo sử dụng theo lứa tuổi, tuy nhiên, ở những bệnh nhân lớn tuổi sẽ thường mắc bệnh nền kèm theo như: đái tháo đường, suy thận, suy gan, bệnh lý tim mạch...

Do đó, việc sử dụng thực phẩm chức năng vẫn được khuyến cáo cho từng cá thế bệnh nhân hoặc thời điểm phù hợp.

Ngoài ra, cần lưu ý thực phẩm chức năng cũng có thể gây tương tác với các thuốc điều trị, bệnh nhân nên tham vấn của các bác sĩ trước khi sử dụng.

Ngọc Diệp: Có cách gì phân biệt để chọn được thuốc chất lượng tốt hay không?

TS Bùi Văn Dân: Chất lượng thuốc đang được quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, Cục Quản lý dược và các đơn vị chuyên môn.

Thuốc chất lượng tốt là thuốc có nguồn gốc rõ ràng, được sử dụng đúng mục đích, đúng chỉ định và còn hạn sử dụng.

KIÊN: Con tôi năm nay 2 tuổi, bé chưa từng phải uống thuốc. Tuy nhiên, gần đây tôi thấy nhiều trẻ bị dị ứng thuốc. Vậy tôi có cần phải đi xét nghiệm dị ứng cho con hay không?

TS Bùi Văn Dân: Thông thường trẻ bị dị ứng thuốc sẽ có biểu hiện phát ban trên da, ngứa, sốt, đau mỏi người, đau rát họng,... thậm chí có những trường hợp khó thở, ngất xỉu.

Đối với những trẻ chưa từng có tiền sử dị ứng thuốc, bố mẹ cứ yên tâm cho con uống thuốc bình thường theo hướng dẫn của bác sĩ và theo dõi tình trạng của trẻ sau khi uống thuốc ít nhất 1 giờ.

Đối với những trẻ đã có tiền sử dị ứng thuốc, bố mẹ nên ghi nhớ những tên thuốc con đã uống và có phản ứng dị ứng, trao đổi với bác sĩ điều trị.

Trong trường hợp cần thiết, có thể đến khám tại các cơ sở chuyên khoa dị ứng để được tư vấn và có thể làm các test chẩn đoán để đảm bảo sử dụng thuốc cho trẻ được an toàn.

Hiền Mai: Con tôi bệnh, khám phòng khám tư, bác sĩ kê đơn và bán thuốc. Nhưng đơn nguệch ngoạc đọc không ra chữ gì, còn thuốc thì không có bao bì, chỉ phân biệt qua hình dáng, màu sắc... Tôi có nên cho cháu uống?

TS Bùi Văn Dân:

Đối với các cơ sở y tế hiện tại chủ yếu đã sử dụng đơn thuốc điện tử, còn đối với một số phòng khám bác sĩ vẫn có thói quen viết tay. Trong trường hợp bạn nhận được đơn thuốc mà không thể đọc được thì nên trao đổi với bác sĩ để có thêm thông tin.

Thực tế khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào đưa vào cơ thể cũng nên biết tên, nguồn gốc, hạn sử dụng, khi bạn không biết chắc chắn thì có thể từ chối hoặc yêu cầu dược sĩ, bác sĩ cho biết thêm thông tin về thuốc. Đặc biệt với những người đã có tiền sử dị ứng với thuốc.

TS Bùi Văn Dân

 TS Bùi Văn Dân đang trả lời câu hỏi của bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: DANH KHANG

Thanh Mai: @Ông Dư Đình Trường: Do giá thành vận chuyển nên thuốc đến vùng sâu, vùng xa thường đắt hơn so với thành thị, khu vưc thuận tiện, dễ đi, dịch vụ của CEV có gì để gỡ được vướng mắc này?

Ông Dư Đình Trường: Vimedimex xác định ứng dụng, tích hợp những công nghệ hiện đại, đây chính là định hướng của Vimedimex để khẳng định vị thế kinh doanh được lồng ghép giữa công nghệ thông tin và truyền thông, tạo lên cuộc cách mạng hoá biến đổi về chất trong các hoạt động kinh doanh của Vimedimex cũng như mối quan hệ giữa Vimedimex với 88.000 khách hàng là nhà thuốc, quầy thuốc tại 568 huyện, thị, thành phố.

Áp dụng phương thức quản trị hiện đại chuẩn hóa quy trình làm việc, khai thông nguồn lực, kiểm soát chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Vimedimex trên thị trường dược phẩm.

Giá trị lớn nhất của thuốc đến từ tác dụng chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, thì kho hàng đạt tiêu chuẩn GSP, GDP chính là chiếc chìa khóa đảm bảo giá trị của viên thuốc luôn được giữ vững chất lượng, thành phần hoạt chất, hàm lượng, công dụng như khi vừa được xuất xưởng. Đây chính là yếu tố cốt lõi nhất, mang tính chất quyết định của từng viên thuốc đối với người bệnh.

Hiểu rất rõ điều này, Vimedimex luôn xác định đầu tư và đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt khắt khe, bắt buộc phải tuân thủ đối với hệ thống kho hàng đạt tiêu chuẩn GDP, GSP tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc, với mục tiêu: Đảm bảo cung ứng thuốc chất lượng tốt, kịp thời, giá cả hợp lý phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho cộng đồng.

+ Sự khác biệt về chất lượng cung cấp dịch vụ ký gửi thuốc, thực phẩm chức năng, cho thuê kho, bảo quản thuốc, thực phẩm chức trong kho đạt tiêu chuẩn GDP, GSP.

+ Sắp xếp bảo quản thuốc theo kiểu 3 dễ: dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra và 5 chống: Chống ẩm, nóng, ánh sáng, mối mọt, chuột, nấm mốc, côn trùng; chống nhầm lẫn; chống cháy nổ; chống quá hạn dùng; chống đổ vỡ, hư hao. Độ ẩm không khí không được vượt quá 70%.

Bảo quản thuốc: Thuốc kháng sinh, thuốc viên: 15 – 25oC; Thuốc bột: độ ẩm < 8%; Thuốc viên bao: tránh ánh sáng và tia cực tím; Thuốc đặt: 8 – 15oC; Thuốc tiêm, sirô: tránh ánh sáng, nhiệt độ cao; Thuốc được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh: Insulin; Suxamethonium; Methyl-ergometin.

+ Sự khác biệt về chất lượng cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe chuyên dụng: Xe Ôtô tải thùng đông lạnh đóng mới hoàn toàn. Dịch vụ vận chuyển miễn phí đơn hàng có trọng lượng từ 1kg trở xuống cho khách hàng. Thiết bị giám sát hành trình GPS: TMS-4G cho phép giám sát nhiệt độ trong suốt quá trình vận chuyển.

Hệ thống đo cảm biến nhiệt độ, độ ẩm đạt tiêu chuẩn GSP từ Kho hàng tại 63 tỉnh thành vận chuyển xuống 505 huyện, đảm bảo: (1) Thuốc được bảo quản và vận chuyển phù hợp không làm mất các thông tin giúp nhận dạng sản phẩm, không gây nhiễm, không bị tạp nhiễm bởi sản phẩm khác;

Các biện pháp dự phòng được thực hiện để tránh việc thuốc bị đổ, vỡ, bị biển thủ hoặc bị mất trộm (2) Khi vận chuyển và bảo quản các thuốc có chứa các chất độc hại như độc chất, nguyên liệu phóng xạ và các thuốc nguy hiểm khác có nguy cơ đặc biệt dẫn đến lạm dụng, gây cháy hoặc nổ, phải được bảo quản ở những khu vực an toàn, riêng biệt và đảm bảo an ninh, được vận chuyển trong các bao bì và phương tiện vận chuyển an toàn, thiết kế phù hợp và chắc chắn.

+ Giá bán, chính sách chiết khấu, chương trình khuyến mại được niêm yết công khai minh bạch tại gian hàng chính hãng Kim Cương mang thương hiệu Vimedimex trên Website CEVPharm.

Anh Thơ: Một số người dùng thuốc hạ sốt giảm đau cho biết sau một thời gian sử dụng (không phải thường xuyên, chỉ khi có cơn đau như đau răng, đau đầu) mới dùng, nhưng hiệu quả giảm đau sau này lại giảm. Có phải thuốc hạ sốt giảm đau cũng có tình trạng kháng thuốc hay không?

TS Bùi Văn Dân: Không hẳn là như vậy. Khi tình trạng giảm đau của bạn không giảm khi sử dụng các liều giảm đau thông thường thì có thể lúc này tình trạng bệnh của bạn đã trầm trọng hơn.

Vì vậy, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.

Ngân Nguyễn: Theo quy định, thuốc nào là thuốc phải kê đơn và thuốc nào không cần kê đơn? Nhờ bác sĩ cung cấp giúp càng chi tiết càng tốt ạ. Cảm ơn bác sĩ!!

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Chào bạn, thuốc được phân loại không cần kê đơn là những loại thuốc được ghi nhận có độc tính thấp, phạm vi liều dụng rộng, an toàn cho các lứa tuổi, ít có ảnh hưởng đến chẩn đoán và theo dõi các bệnh lâm sàng, thuốc ít có khả năng gây tình trạng lệ thuộc...

Danh mục các loại thuốc kê đơn và không kê đơn đã được Bộ Y tế quy định rõ tại thông tư 07/2017/TT-BYT được công bố rộng rãi bạn có thể tìm hiểu thêm.

Anh Quân: Có dấu hiệu nào trên nhãn thuốc để xác định thuốc đó bắt buộc phải kê đơn không thưa bác sĩ? Những thuốc nào có thể mua dùng không cần đơn, thuốc nào bắt buộc phải có đơn?

TS Bùi Văn Dân: Thông thường trên nhãn các loại thuốc kê đơn, trên bao bì sẽ có ký hiệu "Rx" hoặc "thuốc kê đơn". Theo quy định, những loại thuốc thông thường như vitamin, thực phẩm hỗ trợ,... không cần kê đơn.

Thuốc kê đơn chỉ được mua khi có chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, bạn nên quân thủ quy định để đảm bảo sức khỏe, sử dụng thuốc an toàn.

Tường Duy: Biểu hiện như thế nào được coi là dị ứng/phản ứng thuốc? Trong trường hợp như vậy thì xử trí như thế nào?

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Tất cả các loại thuốc đều có khả năng gây ra phản vệ hoặc các tác dụng phụ khác từ nghiêm trọng đến nhẹ nên biểu hiện sẽ rất đa dạng. Phản vệ là phản ứng thuốc nặng nhất, có khả năng nguy hiểm tính mạng và cần được cấp cứu kịp thời.

Biểu hiện của phản vệ như là: Nổi ban, ngứa, khó thở, phù niêm (mặt, mắt, môi), tụt huyết áp, buồn ói... có thể xảy ra ngay lập tức hoặc 48 giờ sau khi sử dụng thuốc. Trong trường hợp bệnh nhân có những biểu hiện như trên nên đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Ngoài ra, các tác dụng phụ khác có thể biểu hiện rất đa dạng tùy loại thuốc và tùy có địa bệnh nhân, ví dụ như: chóng mặt, tiêu chảy, giảm bạch cầu, tổn thương gan, thận..., thế nên việc dặn dò bệnh nhân theo dõi và nhận phản hồi của bác sĩ điều trị là cực kỳ quan trọng.

Ông Nguyễn Trường Uy - Phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, đại diện báo - tặng hoa cho ThS, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ - Ảnh: T.T.D.

Tùng Lâm: Cầm toa đi mua thuốc mà nhà thuốc bảo "không có thuốc y như toa, có loại khác giống thành phần" thì mình có nên mua không?

TS Bùi Văn Dân: Khi nhận được thông tin nhà thuốc như vậy, bạn nên tham vấn lại bác sĩ kê đơn. Trong trường hợp bác sĩ kê đơn đồng ý thì hoàn toàn có thể sử dụng.

Còn ngược lại, bạn cũng có thể đi đến hiệu thuốc khác để tìm đúng loại thuốc mà bác sĩ đã kê đơn.

Phạm Văn Hóa: Khi mua thuốc về nhà, trường hợp không sử dụng hết thì bảo quản như thế nào để giữ chất lượng? Có thuốc nào không dùng hết thì bắt buộc phải bỏ đi không?

TS Bùi Văn Dân: Đối với các loại thuốc dạng viên nén, viên nang, thuốc phải còn nguyên trong vỏ bọc và còn thời hạn sử dụng theo thông tin trên bao bì sản phẩm.

Còn với những thuốc dạng uống, dung dịch, tùy thuộc hướng dẫn của hãng sẽ có thời gian khuyến cáo sử dụng sau khi mở nắp bao lâu.

Ông Nguyễn Đức Bình (trái) - phó trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội - tặng hoa cho TS Bùi Văn Dân, trưởng khoa dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện E - Ảnh: DANH KHANG

Mai Khanh: Có nhiều dòng thuốc giảm đau, loại nào ít gây tác dụng phụ nhất thưa bác sĩ? Những thuốc này khi uống thì mình cần lưu ý gì? Cảm ơn bác sĩ!

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Chào bạn, thuốc giảm đau ít ghi tác dụng phụ nhất được ghi nhận hiện tại là nhóm Acetaminophen, thường có tên là paracetamol được sử dụng như loại thuốc không cần kê đơn, liều dùng từ 10-20mg/kg/lần sử dụng và không dùng quá 4 lần/ngày. Đây là loại thuốc có tác dụng giảm đau và khám viêm nhẹ, bệnh nhân có thể tự mua sử dụng.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc như là: sử dụng quá nhiều lần trong ngày hoặc kéo dài nhiều ngày. Y văn cũng có ghi nhận một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như mặc dù sử dụng thuốc ở liều thấp trên người béo phì vẫn có khả năng tổn thương gan hoặc thận.

Hải Yến: Tủ thuốc gia đình nên có những thuốc nào bác sĩ? Bảo quản những thuốc đó trong bao lâu ở nhiệt độ phòng?

TS Bùi Văn Dân: Tủ thuốc trong gia đình nên có những thuốc thông thường như giảm đau, hạ sốt, nước điện giải, men tiêu hóa, thuốc chống dị ứng, giảm ho,....

Bảo quản thuốc tùy thuộc vào quy định, hướng dẫn của sản phẩm. Chú ý kiểm tra hạn sử dụng thường xuyên.

ANH ĐÀO: Thưa bác sĩ, làm sao để biết được mình có thể bị dị dứng với thành phần của các thuốc?

BS Võ Ngọc Anh Thơ: Chào bạn, trong thành phần của thuốc sẽ có phần biệt dược và phần tá dược, trước khi sử dụng thuốc sẽ rất khó biết mình có dị ứng với các thuốc đó không. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào lịch sử sử dụng thuốc trước đó của bệnh nhân. Nếu từng xảy ra những phản ứng như là: nổi ban, ngứa, khó thở, sốc phản vệ... với một số loại thuốc đã dùng trước đó, thì có thể tiên đoán khả năng bệnh nhân sẽ có khả năng dị ứng với nhóm thuốc hiện tại hay không.

Một số loại thuốc có thể dùng xét nghiệm gen để xác định dị ứng trước khi dùng, chẳng hạn như thuốc Allopurinol được dùng điều trị gout, tuy nhiên xét nghiệm này ít khả dụng trong thực tế lâm sàng.

Thế nên, muốn phòng ngừa dị ứng thuốc hoặc các tác dụng phụ nặng của thuốc tốt nhất bệnh nhân nên được sử dụng thuốc theo kê đơn của bác sĩ, tất cả các thuốc được sử dụng được ghi nhận rõ ràng tên, xuất xứ, để có thể ghi nhận lại các phản ứng thuốc đối với từng cá nhân bệnh nhân.

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Khám xuất cảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: T.T.D.

Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó khoa Khám xuất cảnh, Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: T.T.D.

Theo: Tuoitre.vn

Đăng nhập to leave a comment


Cách Bảo Vệ Dạ Dày Khi Dùng Thuốc Aspirin

To install this Web App in your iPhone/iPad press and then Add to Home Screen.