“Tiền bạc khó mua được sức khỏe, nhưng sức khỏe sẽ được tăng cường hơn nhờ tiền bạc. Tiền bạc khó mua được hạnh phúc, nhưng muốn có hạnh phúc, bắt buộc phải có sức khỏe.”
1. Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ đảm bảo ăn ngon, hấp thu tốt dưỡng chất mà còn giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, tránh xa bệnh tật.
Hoạt động của hệ tiêu hóa: (1) Mục đích chính của hệ tiêu hóa là phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng có thể hấp thụ được vào cơ thể. Qua đó cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động. Thức ăn vào miệng phải được xử lý cơ học (nhai) và làm ẩm. (2) quá trình tiêu hóa diễn ra chủ yếu ở dạ dày và ruột non, nơi protein, chất béo và carbohydrate được phân hủy hóa học thành các thành phần nhỏ hơn. Các phân tử nhỏ hơn đó tiếp tục được hấp thụ qua biểu mô của ruột non vào máu. Sau đó chúng đi vào vòng tuần hoàn. Ruột già đóng vai trò chính trong việc tái hấp thu lượng nước dư thừa. (3) Cuối cùng, các chất không tiêu hóa được và các chất cặn bã bài tiết được đào thải ra ngoài cơ thể qua đường đại tiện (phân).
Mắc bệnh lý tiêu hóa là khi có sự trục trặc ở một trong các khâu này. Tức là, các chức năng của đường tiêu hóa không được thực hiện thành công. Bệnh nhân trong những trường hợp này có thể xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, kém hấp thu, táo bón hoặc tắc nghẽn. Thậm chí có thể biểu hiện dấu hiệu trên da, niêm mạc. Ví dụ: vàng da, vàng mắt, da xanh, niêm mạc nhợt.
Sơ đồ hệ thống đường tiêu hóa ở người
2. Rối loạn tiêu hóa, chớ nên coi thường
“Hệ tiêu hóa khỏe, chiếc chìa khóa vàng giúp cơ thể tránh xa bệnh tật”
a) Bệnh về răng – miệng và vùng hầu – họng: Tưa miệng (tức là có nấm Candida ở miệng) thường gặp ở trẻ em hoặc người bị nhiễm trùng nặng; Viêm lợi cấp tính; Viêm nướu cấp tính; Bệnh về tuyến nước bọt: quai bị; Viêm amidan: Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm amidan bao gồm sưng amidan, đau họng, khó nuốt và nổi hạch mềm ở hai bên cổ.
b) Bệnh về thực quản: Trào ngược dạ dày – thực quản (viết tắt GERD) thường gặp nhất; Bản chất là do dịch vị axit trào ngược liên tục vào thực quản. Từ đó gây kích ứng và gây đau loét. Xuất huyết (chảy máu) có thể xảy ra khi các mạch máu bị tổn thương; GERD thường biểu hiện như chứng ợ nóng. GERD không được kiểm soát có thể ăn mòn lớp niêm mạc của thực quản và dẫn đến chảy máu. Tình trạng này cũng có thể gây đau tức ngực đến mức đôi khi bị nhầm với cơn đau tim; Kiểm soát bệnh GERD thường bắt đầu bằng những thay đổi lối sống đơn giản. Ví dụ tránh ăn ít nhất hai giờ trước khi đi ngủ; Điều trị GERD có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật với trường hợp nặng; Ngoài ra, một số trường hợp có khối u hoặc ung thư ở thực quản. Triệu chứng phổ biến nhất khi đó là nuốt nghẹn, khó nuốt.
c) Dạ dày – tá tràng và bệnh lý đường tiêu hóa
(1) Viêm dạ dày: Đây là tình trạng phổ biến xảy ra khi mất cân bằng giữa hoạt động ăn mòn của dịch vị và tác dụng bảo vệ của chất nhầy trên niêm mạc dạ dày. Lượng chất nhầy trong dạ dày không đủ để bảo vệ biểu mô bề mặt khỏi tác động phá hủy của axit clohydric. Viêm dạ dày có thể là cấp hoặc mạn tính; Ngoài ra, vi khuẩn H.pylori cũng gây viêm dạ dày. Nguyên nhân này rất phổ biến ở Việt Nam.